Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,
“Tòa Thánh ngay từ đầu đã lên án một cách rõ ràng và không chút do dự những gì xảy ra ngày 7/10 năm ngoái, và tại đây tôi tái khẳng định sự lên án đó: một sự lên án rõ ràng và không chút dè dặt đối với mọi hình thức bài Do thái. Đồng thời Tòa Thánh yêu cầu làm sao để quyền tự vệ của Israel không được nại ra để biện minh cho cuộc hành quân không tương ứng hiện nay, và chắc chắn là không tương ứng khi 30 ngàn người chết như vậy”.
Phản ứng về lập trường này, Đại sứ quán Israel, do Đại sứ Raphael Schutz đảm trách, đã ra thông cáo nói rằng tuyên bố của Đức Hồng Y Parolin là “đáng lên án” (deplorevole) vì “Để thẩm định về chiến tranh tại Gaza hiện nay, cần để ý đến những hoàn cảnh và những sự kiện quan trọng mà lẽ ra Quốc vụ khanh Tòa Thánh phải chú ý”. “Gaza đã bị Hamas biến thành một căn cứ khủng bố chưa từng thấy. Hầu như không có cơ cấu dân sự hạ tầng nào mà không được Hamas sử dụng cho những kế hoạch tội phạm của chúng, kể cả các nhà thương, trường học, nơi thờ phượng và nhiều nơi khác”.
Thật vậy, tin tức cho thấy sau khi bị bất ngờ tấn công khủng bố hôm 7/10/2023, lực lượng quân sự của Israel đã nhân danh quyền tự vệ để tấn công vào bất cứ chỗ nào được tình báo của họ mật báo là có thành phần Hamas ẩn nấp hay trà trộn, bất chấp mạng sống của dân thường, dù là nhà thờ, bệnh viện, xe cứu thương, trại tỵ nạn v.v., bởi dân thường, có thể đã bị họ cho toàn là gia đình và thân nhân của thành phần Hamas nên chắc chắn phải đồng lõa với Hamas, do đó dân chúng cũng cần bị tấn công, trả giá xứng đáng, và việc tấn công dân thường bừa bãi như vậy là hợp tình hợp lý, một việc Israel cũng đồng thời muốn cảnh báo Hamas đừng sử dụng dân chúng làm bia đỡ đạn, nghĩa là đừng giết chính dân mình khi trà trộn với họ như một đòn phản công thâm hiểm khiến Israel bị cả thế giới lên án.
Rất tiếc, Israel đã bất chấp tất cả, bao gồm Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Liên Âu và Tòa Thánh Roma, nhất định tận diệt Hamas là kẻ thù không đội trời chung và bất khả dung cho bằng được, với bất cứ giá nào: Israel ra hạn chót cho Hamas thả con tin là Tháng Ba, nếu không sẽ tấn công Rafah, thành trì cuối cùng của Hamas chưa bị tấn công như ở khắp Dải Gaza từ đầu cuộc chiến, nơi lại đang đầy nhóc dân Palestine tỵ nạn ở cùng tận của Dải Gaza bị dồn lại trên 1 triệu người từ đầu cuộc chiến bùng nổ tới nay. Chúng ta vừa thấy được bản tin kinh hoàng vô cùng dã man gây ra do quân đội của Israel: Lính Israel bị tố bắn vào đám đông ở Gaza khiến ít nhất 104 người chết.
Nếu quả thực Israel vì vượt quá quyền tự vệ, chỉ còn biết thù hận và trả đũa, bất chấp thủ đoạn, dù là mạng sống của dân thường mà họ cho là đáng kiếp bởi dính dáng phần nào tới kẻ thù Hamas, thì tội nào vạ ấy, khi Đấng làm chủ lịch sử ra tay để đong lại cho họ chính đấu họ đã dữ dội và ác độc đong cho dân Palestine. Chính vì họ mong chờ Đấng Thiên Sai đầy quyền lực về chính trị, chứ không phải một Đấng Thiên Sai Cứu Thế vô cùng nhân hậu, Đấng đã Vượt qua, đã chiến thắng tội lỗi và sự chết của con người, trong đó có họ, mà họ vẫn tiếp tục áp dụng chính sách "mắt đền mắt răng đền răng"?
Nếu LTXC "đã yêu thương những ai thuộc về mình thì Người tỏ lòng thương cho đến cùng" (Gioan 13:1), mà Dân Do Thái là dân của Chúa và thuộc về Chúa thì chắc chắn Ngài sẽ không bỏ họ, nhưng Ngài đã có cách của Ngài để làm cho họ nhận biết Ngài, chẳng hạn làm cho họ bị kẻ yếu thế hơn họ như Hamas lại thắng họ và thống trị họ, nhờ đó họ mới trông mong Đấng Thiên Sai, và cuối cùng họ phải công nhận Đấng Thiên Sai ấy chính là Đấng họ đã sát hại bởi quyền lực Roma, và như Thánh Tông đồ Phaolô khẳng định "như thế toàn dân Do Thái sẽ được cứu độ" (Roma 11:26).
Tiếp tục tin tưởng vào LTXC, Đấng có thể biến dữ thành lành cho con người, đặc biệt là trường hợp của Dân Do Thái, để họ sớm nhận biết Đấng Thiên Sai của họ mà trở về với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất trong suốt dòng lịch sử cứu độ của họ, chúng ta tiếp tục theo dõi tình hình Giáo Hội Hiện Thế trong thời khoảng 4 ngày qua ở những đường links kết nối tùy nghi dưới đây:
Hồng Thủy - Vatican News
Điều đầu tiên Đức Thánh Cha muốn nói với những người đau khổ qua bài nói chuyện được Đức ông Ciampanelli đọc là nhìn vào gương mặt họ, chào đón những câu chuyện của họ với vòng tay rộng mở, xoa dịu con tim của họ.
Bắt chước cảm xúc và lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu trước nỗi đau
Ngài nói tiếp rằng nỗi đau mất con không chấp nhận những mô tả mang tính lý thuyết và bác bỏ sự tầm thường của những lời lẽ mang tính tôn giáo hay tình cảm. Do đó, "chúng ta được mời gọi bắt chước cảm xúc và lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu trước nỗi đau, điều khiến Người trải nghiệm nỗi đau khổ của thế giới trong chính xác thịt của Người".
Hãy cứ bám vào những lời cầu nguyện
Đức Thánh Cha cũng nói rằng khi nỗi đau quá lớn và không thể giải thích, hãy cứ bám vào những lời cầu nguyện đêm ngày, ngay cả bằng những câu hỏi luôn vang lên trong lòng: "Tại sao, thưa Chúa? Tại sao điều này lại xảy ra với con? Tại sao Chúa không can thiệp? ... ". Những câu hỏi này mang lại sức mạnh để tiến về phía trước.
Đức Thánh Cha nói rằng đè nén, bóp nghẹt nỗi đau không loại bỏ được tổn thương. Nhưng những câu hỏi được đặt ra với Chúa như một tiếng kêu là điều lành mạnh. Đó là lời cầu nguyện. Chúng trở thành bước đầu tiên của lời cầu nguyện và mở ra cho chúng ta sự an ủi và bình an nội tâm mà Chúa không bao giờ thất bại trong việc ban tặng.
Trong đau khổ, câu trả lời đầu tiên của Thiên Chúa là đồng hành với chúng ta
Đức Thánh Cha nhắc lại câu chuyện Chúa Giêsu làm cho người con đã chết của người trưởng hội đường Do Thái được sống lại trong Tin Mừng Thánh Marco (5,22-43) và nói rằng "trong đau khổ, câu trả lời đầu tiên của Thiên Chúa không phải là một diễn văn hay một lý thuyết, nhưng là đồng hành với chúng ta, ở bên cạnh chúng ta. Chúa Giêsu đã để mình chạm đến nỗi đau của chúng ta, Người đã đi cùng con đường với chúng ta và không để chúng ta cô đơn, nhưng giải thoát chúng ta khỏi sức nặng đang đè nén chúng ta, bằng cách mang nó vì chúng ta và với chúng ta".
Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha khẳng định rằng Chúa sẽ nắm tay những đứa con đã chết và nâng họ dậy, cũng như nâng dậy các cha mẹ đau khổ để họ không mất hy vọng và mất niềm vui sống.